Xuất bản thông tin

null HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC VỀ TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH

Chi tiết bài viết Tin tức

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC VỀ TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH

Để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, làm cho Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, trước hết, từng tổ chức đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng” (1)

 

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (2). Người cũng nhấn mạnh: “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (3); “Đảng ta có một vũ khí sắc bén để làm cho đảng viên tiến bộ, làm cho Đảng ngày càng mạnh là tự phê bình và phê bình…” (4). Đồng thời, Người còn chỉ dẫn chúng ta: “Tự phê bình là bản thân tự mình soi rọi mình, tự nghiêm khắc, thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Phê bình là nêu lên những khuyết điểm của đồng chí khác, của tổ chức đảng nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm” (5); “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi” (6). Và Người phân tích rõ tác hại của những khuyết điểm và cách để hạn chế: “…Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng…”(7).

Để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, làm cho Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, trước hết, từng tổ chức đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”; “Chúng ta không sợ có khuyết điểm, chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi, chúng ta phải lấy lòng “chí công vô tư” (8).

 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá những hạn chế của tự phê bình và phê bình hiện nay là: “Không ít nơi còn hình thức, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”. Đây có thể xem là một đánh giá khá thẳng thẳn và đã nhìn thẳng vào sự thật.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên có thể là do một số cấp ủy, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ và đúng đắn về vai trò, tác dụng của tự phê bình và phê bình nên còn chưa nghiêm túc và tự giác chấp hành; một số đảng viên thiếu chính kiến, không mạnh dạn khi góp ý phê bình nhất là phê bình cán bộ lãnh đạo, cấp trên, sợ bị trù dập, ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân; do bệnh thành tích, sợ khuyết điểm bị chỉ ra sẽ ảnh hưởng đến kết quả xếp loại của cá nhân đảng viên, tập thể tổ chức đảng nên khi có khuyết điểm không tự giác, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, tìm mọi cách trốn tránh, giấu giếm khuyết điểm hoặc đổ lỗi cho khách quan...

 Để công tác tự phê bình và phê bình trở thành công việc thường xuyên của các cấp ủy đảng, của từng cán bộ, đảng viên đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Thứ nhất: cấp ủy, chi bộ cần làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình đối với sự tiến bộ của mỗi người và tổ chức đảng để tự giác, thường xuyên, nghiêm chỉnh thực hiện. Trong sinh hoạt chi bộ phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng ưu điểm, thành tựu, phê bình nghiêm khắc những sai lầm, khuyết điểm của chi uỷ, chi bộ và của từng cán bộ, đảng viên và đề ra được biện pháp phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm.

- Thứ hai: cần phát huy dân chủ nội bộ khi bàn bạc và quyết định các vấn đề thuộc phạm vi, quyền hạn của cấp ủy, chi bộ; thực hiện nghiêm túc quyền của đảng viên, duy trì thành nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, trung thực, khách quan bằng tình đồng chí, tôn trọng lẫn nhau. Cần tránh tình trạng nể nang, né tránh và xử lý kịp thời, nghiêm minh những người lợi dụng phê bình để trả thù cá nhân.

- Thứ ba: việc tổ chức tự phê bình và phê bình trong cấp ủy, chi bộ phải đảm bảo tính Đảng, tính giáo dục, khách quan, trung thực, kịp thời; phải xác định đúng nội dung, lựa chọn đúng hình thức, phương pháp thực hiện. Kết hợp chặt chẽ  tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm sau khi tự phê bình và phê bình. Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra của cấp trên để tự phê bình và phê bình đạt chất lượng, nhất là đối với những tổ chức đảng yếu kém, nội bộ có nhiều vấn đề phức tạp.

- Thứ tư: cấp ủy, chi bộ cần đề ra chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, nhất là việc phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác, chú trọng củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảm bảo có tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu.

Thấm nhuần những lời dạy của Bác về tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu về mọi mặt, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, đồng thời phải nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình.

Hữu Hiếu

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 616, 611, 672

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 301

(4) Bài nói tại Hội nghị Nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương (28/11/1959) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 9, tr. 552-557

(5) Bài viết “Tự phê bình” của Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân dân số 09 ra ngày 20/5/1951.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t 4, tr. 165-166.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t 5, tr. 229-306.

(8) Hồ Chí Minh: “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”, ngày 17- 9-1945.