Xuất bản thông tin

null Mã số vùng trồng – tấm vé xuất khẩu nông sản ra thế giới

Trang chủ Tin tức

Mã số vùng trồng – tấm vé xuất khẩu nông sản ra thế giới

Trong sản xuất nông nghiệp, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Nếu không được cấp mã số vùng trồng thì nông sản sẽ không đủ điều kiện để có thể vào các siêu thị lớn và xuất khẩu ra thị trường quốc tế, thế nhưng hiện tại việc cấp mã số vùng trồng cho nông sản ở huyện vẫn còn rất khiêm tốn.

 

Điều kiện để được cấp mã số vùng trồng

Để được cấp mã số vùng trồng thì vùng trồng đó phải đáp ứng các điều kiện như: trường hợp vùng trồng gồm nhiều điểm sản xuất, cần sử dụng thống nhất một quy trình quản lý sinh vật gây hại. Vùng trồng cần đảm bảo kiểm soát sinh vật gây hại ở mức độ phổ biến thấp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của đơn vị thu mua nông sản.

Nhà vườn cần đảm bảo ghi chép đầy đủ các hoạt động sản xuất tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác như: giai đoạn phát triển của cây trồng, sinh vật gây hại phát hiện trong quá trình điều tra, nhật ký bón phân, sử dụng thuốc BVTV, thông tin thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Vùng trồng gồm nhiều hộ không áp dụng chung một quy trình sản xuất thì mỗi hộ có 1 nhật ký canh tác. Vùng trồng áp dụng cùng một quy trình sản xuất thì có thể dùng chung một nhật ký hoặc riêng nhật ký cho từng hộ.

 

Yêu cầu về diện tích: cây ăn trái cần diện tích tối thiểu 10ha. Rau gia vị hoặc cây trồng khác thì tùy theo diện tích thực tế của nhà lưới, nhà kính cũng như đáp ứng một số yêu cầu khác của đơn vị thu mua nông sản.

Quy trình đăng ký mã số vùng trồng hiện nay là tổ chức, cá nhân có nhu cầu sẽ gửi đơn xin cấp mã số vùng trồng tại Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp mã số, chi cục sẽ tổ chức kiểm tra thực địa vùng trồng, đánh giá giám sát theo đề nghị của chủ, đại diện vùng trồng. Sau đó, đơn vị sẽ báo cáo và đề nghị Cục BVTV cấp mã số vùng trồng dựa trên kết quả kiểm tra, giám sát. Khi đạt yêu cầu, Cục BVTV sẽ cấp một mã số vùng trồng, thông báo và thực hiện việc xác nhận mã số vùng trồng với đơn vị thu mua nông sản.

Người dân chưa quan tâm đến mã số vùng trồng

Lai Vung hiện có 8.626 ha diện tích trồng lúa, cây màu là 1.362ha và 7.450ha cây ăn trái. Đến nay huyện đã có 08 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 265,2 ha gồm: xoài, nhãn, thanh long, mít. Nguyên nhân là nhiều vùng trồng không đạt điều kiện về diện tích do chuyển đổi trồng cây khác; người dân chưa hiểu rõ những lợi ích mã số vùng trồng mang lại; khi được cấp mã vùng trồng rồi, địa phương cũng chưa có sự quan tâm, giám sát, kết nối tiêu thụ, liên kết giữa vùng trồng với các cơ sở đóng gói nên người nông dân vẫn không tìm được đầu ra cho xuất khẩu mà chủ yếu tiêu thụ cho thương lái trong nước. Những điều này đã khiến cho người nông dân không mặn mà với việc được cấp mã số vùng trồng.

Trong khi đó, tại các vùng trồng nông sản khác trong nước, việc cấp mã số vùng trồng luôn được xem là con đường nhanh nhất để các loại nông sản có thể tiếp cận với các thị trường lớn và khó tính như: Nga, Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc... Câu chuyện về gần 90.000 tấn vải Bắc Giang được xuất khẩu thành công với tổng doanh thu trên 6.800 tỷ đồng ngay trong tâm dịch Covid-19 năm 2021 là một ví dụ điển hình về những lợi ích thiết thực khi quả vải Bắc Giang có đầy đủ giấy thông hành về cấp mã số vùng trồng, cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và có sự liên kết chặt chẽ với những đơn vị xuất khẩu.

Tháo gỡ khó khăn trong việc cấp mã số vùng trồng

Trong lần làm việc gần đây nhất giữa Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp với UBND huyện Lai Vung về xây dựng mã số vùng trồng nông sản phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giai đoạn 2021 – 2025. Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, đối với tiêu chí đăng ký mã số vùng trồng không cần diện tích phải tập trung liền kề như trước, chỉ cần diện tích ở mỗi xã đăng ký đáp ứng được theo tiêu chí là có thể cấp mã số vùng trồng. Song song đó, huyện cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về tiêu chuẩn, ý nghĩa và lợi ích của mã số vùng trồng; tập trung tuyên truyền trong các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Hội quán và các vùng sản xuất chuyên canh…

Qua đó, lãnh đạo UBND Lai Vung sẽ chỉ đạo ngành chuyên môn huyện tiếp tục rà soát và đăng ký cấp mã số vùng trồng mới đến năm 2025 phải đạt trên 90% tổng diện tích cây lúa, cây ăn trái đạt trên 80% và cây màu đạt trên 15%.

Khẳng định về tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng trồng, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh tại buổi làm việc: Cấp mã số vùng trồng là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản và là điều kiện bắt buộc để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, để được cấp mã số, người dân không phải mất bất cứ một khoản chi phí nào mà chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí về diện tích, ATTP, kiểm soát sinh vật gây hại. Do đó, các địa phương cần phải quan tâm, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; đồng hành, sát cánh hơn nữa trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định. Các vùng trồng đã có đầy đủ chứng nhận, song làm thế nào để có thể tiêu thụ thuận lợi, sản phẩm có thể xuất khẩu được thì cơ quan quản lý ở địa phương đóng vai trò quyết định./.

Thái Tâm